Henry Tricks
Đầu thế kỷ 20, thách thức lớn nhất liên quan đến mùi hôi trong môi trường ở các thành phố lớn trên thế giới không phải là những khu ổ chuột, nước thải hoặc bò hóng mà là phân ngựa. Tại London năm 1900, ước tính có khoảng 300.000 con ngựa kéo taxi và bus, kéo xe đẩy và xe hàng, chúng để lại những đầm lầy phân. Những công dân của thành phố New York - nhà của 100.000 con ngựa - cũng chịu những tai họa tương tự; người dân đã phải đi lại trong những con sông phân khi trời mưa, và những đống phân đầy ruồi nhặng khi nắng lên. Tại hội nghị kế hoạch đô thị quốc tế đầu tiên được tổ chức tại New York vào năm 1898, phân nằm hàng đầu trong chương trình nghị sự. Không tìm thấy được biện pháp nào, các đại biểu phải thất vọng ra về một tuần sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, một thập kỷ sau đó, vấn đề về phân được bàn tay vô hình của thị trường cuốn phăng đi. Henry Ford sản xuất Model T đầu tiên, rẻ, nhanh và sạch. Đến năm 1912 xe hơi ở New York đông hơn ngựa, và năm 1917, chuyến xe ngựa cuối cùng ở Manhattan bị cho về hưu. Nó đánh dấu thời đại của dầu lửa.
Đó là thời đại của những tiến bộ nhanh chóng và vượt bậc. Nếu than đá truyền lực cho cuộc cách mạng công nghiệp, thì dầu lửa cung cấp nhiên liệu cho những động cơ đốt, cho ngành hàng không và tạo nên khái niệm trong thế kỷ 20 rằng khả năng của nhân loại là vô hạn; nó đã đưa con người lên Mặt trăng và xa hơn nữa. Những sản phẩm giúp thay đổi cuộc sống - từ son môi đến máy đĩa CD, từ mũ bảo hiểm xe máy đến aspirin đều chứa hóa dầu. Máy kéo và phân bón đã mang lại lương thực rẻ hơn cho thế giới, và các sản phẩm nhựa dùng cho việc đóng gói, đều là hậu duệ của các sản phẩm dầu khí.
Dầu lửa đã thay đổi lịch sử. 100 năm qua chứng kiến những cuộc chiến tranh dầu, những cú sốc dầu lửa và những vụ tràn dầu. Và ngay cả đến thế kỷ 21, sự thống trị của dầu lửa vẫn là cố thủ. Dầu có thể đẩy nhanh mọi thứ khác, nhưng trong quy luật của thị trường năng lượng thì việc thay đổi hỗn hợp nhiên liệu là một quá trình đóng băng (xem biểu đồ). Lúc gần đỉnh điểm vào thời điểm có lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập năm 1973, dầu chiếm 46% nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu. Trong năm 2014 nó vẫn chiếm thị phần 31%, so với 29% của than và 21% của khí đốt thiên nhiên. Trong khi đó, những đối thủ (của dầu) đang nổi lên như nhiên liệu hóa thạch, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt, chiếm tổng cộng ít hơn 1% thị phần.
Mỗi người mỗi việc
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ sức ngựa sang mã lực, một thuật ngữ do Eric Morris của Đại học Clemson, South Carolina đưa ra, là một thí dụ hữu ích cho thời đại chúng ta. Một trăm năm trước, dầu được xem như vị cứu tinh của môi trường. Giờ đây, các sản phẩm của nó đang ngày càng giống như phân ngựa của thời xưa: một mối đe dọa đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Dù với tất cả sức mạnh bền bỉ của nó, dầu có thể phải đối mặt với thời điểm Model T của chính nó. Mối nguy không nằm ở sự sụt giảm nhu cầu nhưng nằm ở bước đầu trong sự thay đổi chiến lược đầu tư bằng cách chuyển từ việc tìm kiếm nguồn dầu bằng việc tìm giải pháp thay thế nó. Tác động trước mắt nằm ở phản ứng của toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Một thỏa thuận ở Paris năm ngoái mang đến một cơ hội 50/50 để giữ sao cho trái đất không ấm hơn 2ºC so với thời tiền công nghiệp, và có lẽ sẽ hạn chế nó ở mức 1.5ºC, được một số người xem như là lời tuyên chiến chống lại các nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa thuận đó bị lung lay khi Donald Trump thắng cử tổng thống Hoa Kỳ, người đã từng bác bỏ những thay đổi khí hậu và cho nó là một "trò lừa bịp". Nhưng nếu người tiêu dùng năng lượng từ những thị trường lớn như Châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn cam kết kiềm chế sự nóng lên của trái đất thì tất cả các nhiên liệu hóa thạch sẽ bị ảnh hưởng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cơ quan dự báo toàn cầu, nói rằng để đến gần với mục tiêu 2ºC, nhu cầu dầu lửa phải đạt đỉnh vào năm 2020 ở mức 93m thùng mỗi ngày, chỉ trên mức hiện nay. Sự tiêu thụ dầu trong vận tải hành khách và hàng hóa phải giảm trong vòng 25 năm tới, và phải được thay thế bằng điện, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu sinh học. Không ai trong số các bên ký Hiệp định Môi trường Paris cam kết mạnh bạo như vậy, nhưng đó là quá trình không thể tránh khỏi một khi chi phí năng lượng tái tạo và pin giảm. “Dù bạn tin hay không tin vào sự thay đổi khí hậu, thì sự thay đổi từ than đá và dầu mỏ đến những nguồn năng lượng có lượng carbon thấp hơn là điều không thể ngăn cản được, và sau cùng sẽ đi đến sự kết thức của thời đại dầu lửa”, Bernstein, một công ty nghiên cứu đầu tư cho biết.
Ít ai nghi ngờ việc than đá sẽ là nhiên liệu hóa thạch chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong quá trình chuyển đổi này. Trong năm 2014 than đá thải ra 46% lượng khí carbon dioxide, so với 34% mà dầu và 20% mà khí thiên nhiên thải ra. Khí thiên nhiên nhiều khả năng sẽ là các nhiên liệu hóa thạch cuối cùng được dùng đến, vì nó tương đối sạch hơn. Nhiều người nhận thấy điện chạy bằng khí và năng lượng tái tạo là bước đầu tiên trong cuộc đại tu hệ thống năng lượng toàn cầu.
Báo cáo đặc biệt này sẽ tập trung đến dầu lửa vì nó là thành phần lớn nhất của ngành công nghiệp năng lượng và là hàng hóa được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, với khoảng 1.5 ngàn tỉ đô la giá trị xuất khẩu hàng năm. Một nửa trong số mười công ty đứng đầu Fortune 500 Toàn Cầu là những công ty sản xuất dầu, và Saudi Aramco - công ty không được niêm yết - khiến tất cả những công ty trên trở nên bé nhỏ. Dầu cung cấp tài chính cho những nước mang lại sự ổn định địa chính trị toàn cầu cũng như những nước nằm trong kìm kẹp của những bạo chúa và những kẻ khủng bố. Và những sản phẩm của dầu cung cấp nhiên liệu cho 93% của ngành vận tải trên thế giới, do đó, giá dầu ảnh hưởng đến hầu hết mọi người.
Kể từ khi giá dầu thô bắt đầu sụt giảm mạnh trong năm 2014, thế giới thoáng thấy được sự tàn phá mà một ngành công nghiệp dầu suy nhược có thể gây ra. Khi giá dầu giảm xuống dưới $30 một thùng trong tháng Giêng năm nay, thị trường chứng khoán giảm mạnh, những nước sản xuất dầu như Venezuela và Nigeria bị thâm thủng ngân sách và xảy ra những bất ổn xã hội, và một số công ty đá phiến của Mỹ đã nằm bên bờ vực phá sản. Nhưng nó cũng có những ảnh hưởng tích cực. Saudi Arabia đã bắt đầu lên kế hoạch cho một nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu hơn, và công bố rằng họ sẽ tư nhân hóa một phần của Aramco. Các nhà sản xuất khác ở Trung Đông cũng nhiệt tình đón nhận năng lượng mặt trời. Một số quốc gia tiêu thụ dầu mỏ cũng nhân lúc giá dầu thấp để cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.
Các công ty dầu phương Tây phải vật lộn với cuộc khủng hoảng với một gánh nặng mới một khi những lo ngại về sự ấm lên của trái đất trở thành vấn đề chủ đạo. Ở Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái và Văn phòng Chưởng lý New York đang điều tra Exxon Mobil, công ty dầu khí tư nhân lớn nhất thế giới, về việc họ đã tiết lộ đầy đủ hay chưa những rủi ro của việc giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể gây ra cho những vùng dự trữ của nó. Các cổ đông ở Mỹ và châu Âu đang gây sức ép rất lớn với các công ty dầu lửa và yêu cầu các công ty giải thích rằng họ sẽ quản lý kinh doanh ra sao nếu các quy định biến đổi khí hậu buộc thế giới thôi không sử dụng dầu nữa. Mark Carney, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, đã đưa ra cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng có thể gây căng thẳng nghiêm trọng đến sự ổn định tài chính, và có đến 80% trữ lượng nhiên liệu hóa thạch có thể bị mắc kẹt. Lời hô hào của ngành công nghiệp dầu, “Khoan, khoan nữa đi!” giờ đang gặp phải một phản ứng chói tai: "Hãy giữ nó trong lòng đất"
Đỉnh nào?
Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn. Đa phần trong kỷ nguyên dầu lửa, mối quan tâm lớn nhất là việc bảo đảm những nguồn cung cấp năng lượng. Các cường quốc đánh nhau chỉ vì dầu. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) được thành lập bởi các nhà sản xuất dầu để bảo vệ di sản dầu của họ và đẩy giá lên cao. Trong thế kỷ 20, nỗi sợ canh cánh luôn là “tài nguyên dầu đã ở đỉnh điểm”, khi các nguồn dự trữ bắt đầu giảm. Nhưng bây giờ, như Daniel Yergin, một sử gia về dầu lửa, người từng thắng giải Pulitzer, cho rằng: “Chỉ một thời gian nữa thôi, người ta sẽ thay câu hỏi từ "khi nào chúng ta sẽ hết dầu’ thành ‘chúng ta sẽ tiếp tục dùng dầu đến bao giờ?’” Xưa kia “dầu đã ở đỉnh điểm”, bây giờ là "nhu cầu đã ở đỉnh điểm".
Dầu cung cấp nhiên liệu cho xe, máy bay và tàu, và để sản xuất nhựa, nó sẽ còn được cần đến trong nhiều năm nữa. Nhưng từ Mỹ đến Trung Quốc, các tiêu chuẩn về khí thải xe hơi ngày càng gắt gao hơn, và đòi hỏi xe ít hao tốn nhiên liệu hơn. Ô nhiễm không khí và ùn tắc ở các thành phố lớn khiến các nước như Trung Quốc và Ấn Độ phải tìm kiếm giải pháp cho một nhiên liệu vận chuyển mới, thay cho xăng và dầu diesel. Các hãng xe như Tesla, Chevrolet và Nissan đã công bố kế hoạch cho các loại xe điện có khả năng chạy đường xa, (những chiếc xe này) sau các khoản trợ cấp (của chính phủ) có giá khoảng $30,000, khiến chúng vừa túi tiền hơn cho người tiêu dùng. Và trên toàn thế giới, vai trò của năng lượng trong tăng trưởng GDP đang giảm dần.
Các nhà phân tích - những người nghĩ rằng hiệp định Paris sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong nỗ lực toàn cầu để giảm lượng khí thải carbon dioxide - cho rằng mức tiêu thụ dầu toàn cầu có thể dần suy yếu vào những năm 2020. Điều đó có nghĩa là các công ty sẽ phải tập trung hoàn toàn vào những mỏ dầu dễ khai thác ở Trung Đông và những vùng đá phiến của Mỹ, thay vì vào các dự án phức tạp đắt tiền với thời gian hoàn vốn dài như những mỏ ở Bắc Cực, ở vùng cát dầu của Canada hoặc sâu dưới đại dương.
Tuy nhiên, nhiều người trong ngành dầu khí tiếp tục bác bỏ chuyện nhu cầu dầu lửa đã đạt đến cao điểm. Họ không tin rằng các chính phủ có nguyện vọng chính trị để thực hiện các mục tiêu khí hậu với tốc độ như Hiệp định Paris dự kiến. Ở Mỹ họ chế giễu ý tưởng rằng một quốc gia được xây dựng xung quanh những chiếc xe hơi lại có thể nhanh chóng từ bỏ xăng. Và Khalid Al-Falih, bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia, ước tính trong vòng 25 năm tới, thế giới sẽ phải đổ 1 ngàn tỉ đô la mỗi năm vào dầu lửa. Những người kỳ cựu của ngành dầu lửa chỉ ra rằng ngay cả khi lượng tiêu thụ dầu toàn cầu đã lên đến đỉnh điểm, thế giới vẫn sẽ cần phải thay thế các giếng dầu hiện có, nơi đang được khai thác mỗi năm với tỷ lệ lên đến 5 triệu thùng một ngày - bằng con số mà cuộc cách mạng đá phiến của Mỹ sản xuất trong vòng bốn năm. Nhu cầu sẽ không đột ngột rớt xuống.
Một số công ty dầu mỏ lớn chấp nhận rằng trong tương lai họ có thể sẽ đầu tư ít hơn vào dầu và nhiều hơn vào khí tự nhiên, cũng như năng lượng tái tạo và pin. Rabah Arezki, người đứng đầu các mặt hàng tại IMF, nói rằng thế giới có thể “đang ở giai đoạn đầu của sự phá vỡ lớn nhất của thị trường dầu từ trước đến nay”.
Báo cáo này sẽ lập luận rằng thế giới cần phải đối mặt với viễn cảnh của sự kết thúc của kỷ nguyên dầu lửa, thậm chí lúc này nó dường như chỉ là điều xa vời, và sẽ đặt ra ba câu hỏi chính. Liệu toàn ngành công nghiệp dầu có giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách nghiên cứu và đầu tư vào các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, hay sẽ cắn răng đấu đến cùng cho một tương lai phụ thuộc vào dầu lửa? Liệu đa số các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp dầu có chuẩn bị để đón nhận sự thay đổi khí hậu? Và người tiêu dùng ở cả các nước giàu và nghèo có sẵn sàng từ bỏ những tiếng gầm rú của động cơ xăng và thay bằng tiếng kêu của pin?